A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

VÌ SAO CỨ HAI NGƯỜI NHẬT THÌ CÓ MỘT NGƯỜI BỊ UNG THƯ VÀ CỨ BA NGƯỜI THÌ CÓ MỘT NGƯỜI CHẾT VÌ UNG THƯ?
(日本では二人に一人ガンにかかると言われるのはなぜか)

Người ta nói rằng “cứ hai người ở Nhật Bản thì sẽ có một người bị ung thư, và cứ ba người thì sẽ có một người chết vì ung thư.” Khi bạn nghe những điều như thế này, bạn có thể sẽ nghĩ rằng “Nếu bị ung thư, thì ai cũng phải chờ cái chết”, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Nhưng tại sao Nhật Bản với tỉ lệ người sống thọ luôn ở top đầu thế giới lại có tỉ lệ ung thư cũng cao như vậy? Lý do là vì đâu?

1. Cơ chế phát triển ung thư

  • “Ung thư” bắt đầu bằng “lỗi sao chép” khi tế bào phân chia.

Cơ thể chúng ta được tạo thành từ khoảng 60 nghìn tỷ tế bào, và được tái sinh bằng sự phân chia liên tục. Sự phân chia tế bào này xảy ra bằng cách sao chép dựa trên gen là bản thiết kế của tế bào, nhưng gen này có thể bị đột biến do ảnh hưởng của chất gây ung thư và có thể xảy ra “lỗi sao chép”. Lỗi sao chép này là sự khởi đầu của “ung thư”. Các tế bào bất thường sinh ra từ lỗi sao chép thường là mục tiêu trở thành “tế bào ung thư”. Chúng lặp lại sự phân chia và tăng sinh bất thường và trở thành “ung thư” trong vòng 10 đến 20 năm.

  • Ung thư có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể

Ung thư có thể xảy ra bất cứ nơi nào trong cơ thể. Có những bệnh ung thư không chỉ xảy ra ở các cơ quan nội tạng như dạ dày, phổi, gan mà còn ở máu, xương và da. Ung thư thường được đặt tên theo bộ phận đầu tiên của cơ thể, chẳng hạn như ung thư dạ dày hoặc ung thư phổi…

2. Tại sao ung thư lại đáng sợ?

Ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất trong tất cả các bệnh và từ lâu đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Nhật Bản. Phần đáng sợ của bệnh ung thư là nó có ít triệu chứng chủ quan trong giai đoạn đầu. Do đó, nó thường được phát hiện trong các cuộc khám sức khỏe tổng quát, và có nhiều trường hợp khi phát hiện ra bệnh đã tiến triển nặng rồi.

3. Nguyên nhân gây ra ung thư?

  • Nhiều yếu tố nguy cơ nằm trong lối sống

Hút thuốc được coi là yếu tố nguy cơ lớn nhất trong các thói quen liên quan đến lối sống. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp bất cứ nơi đâu hình ảnh người Nhật đứng phì phèo hút thuốc lá, và cứ 10 người vào cửa hàng tiện lợi thì sẽ có 9 người mua thuốc lá. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ không chỉ ung thư phổi mà còn nhiều bệnh ung thư như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư ruột kết, ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, khói thuốc thụ động, khói bốc lên từ thuốc lá, gây ra những nguy hại cho sức khỏe như ung thư phổi đối với những người không hút thuốc. Về thói quen ăn uống, có ý kiến cho rằng, ăn quá nhiều muối làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, thiếu rau và trái cây làm tăng nguy cơ ung thư hệ tiêu hóa và đồ ăn thức uống quá nóng làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Ung thư đại trực tràng và ung thư vú, đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, được cho là bị ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống của phương Tây, và sự thiên vị đối với thực phẩm động vật cũng được coi là một yếu tố nguy cơ. Ngoài ra, uống nhiều rượu bia còn làm tăng nguy cơ ung thư thực quản, ung thư gan, ung thư ruột kết, ung thư vú, v.v. Thêm nữa, ung thư xảy ra khi các gen chứa trong các tế bào của cơ thể bị tổn thương và tích tụ dần dần. Do đó, càng sống lâu, càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư. Tại Nhật Bản, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao đã tăng mạnh kể từ những năm 1980. Điều này là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đáng kể số ca tử vong do ung thư.

4. Phòng ngừa và cải thiện bệnh ung thư

  • Các yếu tố nguy cơ ung thư có thể được giảm thiểu bằng cách cải thiện lối sống

Điều quan trọng đầu tiên trong việc cải thiện lối sống để ngăn ngừa ung thư là “bỏ thuốc lá”. Nếu bạn có thói quen hút thuốc lá, hãy bỏ thuốc lá ngay lập tức để tránh liên lụy đến gia đình và những người xung quanh. Tránh muối trong khẩu phần ăn và tích cực ăn rau, trái cây để đảm bảo một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Uống quá nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ ung thư, vì vậy hãy đảm bảo rằng chỉ nên uống lượng vừa phải. Những người có thói quen tập thể dục, vận động thể thao được phát hiện ra là có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn. Hãy tập thể dục hoặc vận động nhiều lên để hình thành nó như một thói quen. Ung thư là bệnh “liên quan đến lối sống” giống như bệnh tiểu đường và huyết áp cao. Tích cực cải thiện lối sống và cố gắng ngăn ngừa ung thư.

  • Bệnh ung thư có thể được chữa khỏi bằng cách phát hiện và điều trị sớm

Hiện nay, phương pháp thăm khám và phương pháp điều trị ngày càng tiến bộ, nếu phát hiện sớm và điều trị sớm thì bệnh sẽ trở thành “ung thư có thể chữa khỏi”. Do đó, điều quan trọng là phải khám sức khỏe thường xuyên. Xét nghiệm máu ẩn trong phân để nhận biết ung thư đại trực tràng, X-quang xét nghiệm ung thư dạ dày, X-quang xét nghiệm ung thư phổi và xét nghiệm đờm là những xét nghiệm sàng lọc ung thư được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi khuyến cáo là có hiệu quả về mặt khoa học. Nếu bạn trên 40 tuổi, hãy cố gắng đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần.

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map