A Recipe for a Happy Life

日本での幸せライフレシピ

Văn hoá ẩm thực theo mùa của người Nhật – người Nhật ăn gì vào mùa đông?
(日本の季節料理の文化 -日本人は冬に何を食べますか?- )

Nhật Bản là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có đủ 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Tất nhiên, văn hóa ẩm thực cũng không ngoại lệ, chú trọng thành phần và vẻ ngoài món ăn làm sao để thể hiện được sự chuyển đổi của bốn mùa là một trong những đặc trưng nổi bật của ẩm thực Nhật Bản.

Vậy thì văn hóa ẩm thực theo mùa của Nhật được thể hiện như thế nào? Người Nhật ăn gì vào mùa đông? Mời bạn tìm hiểu về đề tài thú vị này qua bài viết sau.

Văn hoá ẩm thực theo mùa của người Nhật

Nhật Bản là quốc gia được bao quanh bởi biển, trong đó núi chiếm 75% diện tích đất nước. Trong một môi trường thiên nhiên phong phú và đôi khi có phần khắc nghiệt ấy, người Nhật nuôi dưỡng tinh thần tôn trọng thiên nhiên và đánh giá cao những phước lành của nó, đó là nền tảng của văn hóa ẩm thực độc đáo của Nhật Bản.

Từ xa xưa, người Nhật đã sống tôn trọng và yêu quý thiên nhiên, nơi ban tặng sự sống cho cuộc sống của họ. Con người cảm nhận trong thiên nhiên có những vị thần nên thường tổ chức các lễ hội vào những thời điểm chuyển mùa để cầu thần linh mùa màng bội thu, đánh bắt được nhiều cá, đồng thời bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn với mùa màng. Văn hóa ẩm thực Nhật Bản cũng được nuôi dưỡng từ việc cảm tạ thiên nhiên ban tặng thức ăn như thế. Sự tôn trọng thiên nhiên đã tạo nên cách cư xử và phong tục ăn uống, tấm lòng biết ơn đã tạo nên kỹ thuật chế biến và phương pháp nấu ăn sử dụng nguyên liệu cẩn thận, không lãng phí. Mùa gì ăn nấy là đặc trưng của ẩm thực truyền thống Nhật Bản.

Biểu hiện vẻ đẹp của thiên nhiên và sự chuyển mùa cũng là một trong những đặc trưng của văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Để làm được điều này, người Nhật thường trang trí các món ăn với hoa và lá theo mùa như lá đỏ, lá cây nam thiên trúc hoặc sử dụng dụng cụ ăn uống phù hợp theo mùa.

Trong cuộc sống của người Nhật, luôn tồn tại các ngày đặc biệt, gọi là “ハレの日” (hare-no-hi). Một trong số hare-no-hi đó là sự kiện quanh năm diễn ra vào cùng một thời điểm hàng năm. Từ xa xưa, người Nhật đã vô thức cảm nhận được sự tồn tại tâm linh của vị “Thần” trong tự nhiên. Thức ăn và đồ uống luôn được cung cấp tại nơi mọi người tiếp xúc với “Thần” gọi là yến tiệc, để cầu nguyện cho mùa màng bội thu và không bệnh tật, hình thành nên nét văn hóa ẩm thực theo các lễ nghi này.

Với người dân thời kỳ Edo, họ thường đổ xô tìm kiếm sản phẩm có thể thu hoạch vào đầu mùa, vì tin rằng nếu ăn chúng sẽ kéo dài tuổi thọ. Điển hình là cá ngừ đầu mùa (初鰹) có giá rất đắt đỏ. Không chỉ cá ngừ, người Nhật còn rất ưa chuộng những sản phẩm đầu mùa khác, có thể thấy được điều này qua cách sử dụng một số từ vựng như sau: 新酒 (rượu mới)、新そば (soba mới)、白魚 (Cá cơm mờm)、若鮎 (cá niêm non)、早松茸 (Nấm matsutake non).

Người Nhật ăn gì vào mùa đông?

Vào mùa đông khi cây cối rụng lá, tuyết rơi lạnh lẽo cũng là mùa của các loài rau ăn lá như cải thảo, hành tây và rau muống; mùa các loại rau củ như củ cải, ngưu bàng. Đó cũng là những nguyên liệu mà bạn thường thấy người Nhật thường ăn trong món lẩu vào mùa đông. Món nhiều chất dinh dưỡng và có tác dụng giữ ấm cơ thể.

Vào ngày đông chí (22/12) người Nhật có tục ăn bí ngô. Phong tục này ra đời từ thời Edo, người ta cho rằng bí ngô rất giàu chất dinh dưỡng và có thể ăn như một biện pháp phòng chống cảm lạnh. Bí ngô trong tiếng Nhật còn được đọc là “nankin”, có âm cuối là “ん”. Người ta tin rằng ăn quả có chữ “n” ở cuối sẽ cải thiện vận may vào cuối năm, nankin có đến hai âm cuối là “ん”nên được xem như một lá bùa may mắn gấp bội.

Vào đêm giao thừa thì lại có phong tục ăn soba. Soba là món mì có sợi dài và dai, tương truyền nếu ăn vào đêm ba mươi sẽ trở nên khỏe mạnh và trường thọ. Ngoài ra, vì sợi soba dễ cắt nên khi ăn cũng là hành động cắt đứt những xui xẻo trong năm cũ.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến món ăn trong năm mới – món Osechi. Từ xa xưa, đón chào năm mới là một sự kiện để chào đón vị thần tuổi (Tuế thần), người mang lại hạnh phúc và mùa màng bội thu. Món Osechi ban đầu được làm để dâng lên Thần nên được chuẩn bị công phu và bài trí rất đẹp mắt. Người ta tin rằng việc ăn cùng với thần và ăn cùng những thức ăn qua món Osechi sẽ mang lại may mắn và xua đuổi tai họa. Các món ăn được đóng hộp trong những chiếc hộp sơn mài nhiều tầng như đậu đen ninh, tảo bẹ, củ cải, rễ cây ngưu bàng, bánh mochi…đều là những thực phẩm đặc trưng vào mùa đông, mang nhiều ý nghĩa khác nhau để cầu mong mùa màng bội thu và trường thọ khỏe mạnh.

Còn trong ngày 7 tháng 1, ngày lễ gọi là Nhân nhật (人日), người Nhật thường ăn món cháo Nanakusa (Cháo Thất Thảo), cháo bột gạo chứa đựng bảy loài cỏ dại vào mùa xuân nhằm để phục hồi dạ dày và hệ tiêu hóa cũng như cầu mong khỏe mạnh. Vốn dĩ đây là phong tục ảnh hưởng từ Trung Quốc. Khi phong tục này du nhập vào Nhật Bản vào thời đại Heian, ban đầu chỉ được phục vụ tại triều đình, sau đó lan truyền đến những người dân thường vào thời đại Edo.

Nhật Bản là một đảo quốc với 4 mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông) nên mùa nào cũng có được những nguyên liệu ngon. “Mùa nào thức nấy” không chỉ dừng lại ở ý nghĩa khuyên dùng thực phẩm với nguyên liệu đặc trưng theo mùa, đằng sau nó còn là một triết lý sâu sắc trong ăn uống mà người xưa để lại, hướng tới một đời sống tâm linh và nhiều sức khỏe.

GLOBAL BUSINESS NETWORK
Official Facebook Page

Site Map