日本での幸せライフレシピ
Lịch sử và nguồn gốc của wagashi
(和菓子の由来と歴史)
Wagashi (和菓子) – đồ ngọt Nhật Bản – là nét văn hoá ẩm thực truyền thống mà người Nhật rất tự hào bởi hương vị tinh tế và ngoại hình bắt mắt. Thậm chí, nhiều wagashi trông đẹp mắt đến nối nhiều người không nỡ ăn khi nhìn thấy chúng.
Thế nhưng, bạn có biết chăng là đường, một trong những nguyên liệu làm nên món wagashi lại là thứ rất đắt đỏ hồi xưa không? Trước khi wagashi phổ biến và tiếp cận nhiều thực khách như bây giờ, phải chăng đó là vật phẩm xa xỉ?
Hãy cùng tìm hiểu thêm về lịch sử và nguồn gốc về Wagashi – nét văn hoá ẩm thực rất đặc trưng của xứ sở hoa anh đào – để hiểu hơn về câu chuyện thú vị này.
Wagashi nguyên nghĩa là gì?
Đồ ngọt trong tiếng Nhật là 菓子 (wagashi) có âm Hán là quả tử. Sở dĩ thêm chữ hoà/和 đằng trước là để phân biệt với đồ ngọt phương tây (洋菓子).
Chữ Hán 菓 trong từ 菓子 và chữ 果 trong từ 果物là hai từ đồng âm, đều mang cùng một ý nghĩa là trái cây. Trong khi đó, chữ tử 子 còn có ý nghĩa là “hạt, mầm giống thực vật”.
Vậy, phải chăng Wagashi (和菓子) vốn dĩ ban đầu là một món chỉ trái cây và các loại hạt?
Thật vậy, người ta cho rằng wagashi là món ăn có từ thời Yayoi (khoảng năm 300 TCN cho đến năm 250 TCN), vào cái thời mà thực phẩm còn rất khan hiếm. Nếu tra cứu từ Từ điển Nhật-Bồ Đào Nha “Nippo Dictionary” viết năm 1603 , wagashi cũng được định nghĩa là “trái cây.”
Bước vào thời kì Nara (kéo dài từ năm 710 đến năm 794), wagashi mang thêm một ý nghĩa mới là “thực phẩm chế biến”. Đây là thời kì mà Nhật Bản chịu nhiều ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc, đặc biệt là Phật giáo. Trong những vật phẩm mà các sứ giả mang về sau khi công sứ đến Trung Quốc trong thời kì này, có loại bánh tên là Karagashi. Đây là loại bánh được cho là ảnh hưởng nhiều đến sự hình thành đồ ngọt Nhật Bản sau này.
Karakashi là đồ ngọt như thế nào?
Karakashi (唐菓子 ) là bánh được làm bằng cách nhào các loại bột như đậu nành và gạo, sau đó cán hoặc kéo căng ra để tạo thành nhiều hình dạng khác nhau. Một số khác còn được chiên trong dầu. Ngày nay, Karakashi vẫn được sử dụng như là một lễ vật được được dâng lên các vị thần tại các ngôi đền như Kasuga Taisha và đền Atsuta.
Sự kết hợp wagashi với văn hoá uống trà
Trong thời đại Kamakura, nhiều nhà sư Nhật Bản sang Trung Quốc học hỏi Phật giáo và mang về những gói trà, hình thành nên phương thức uống trà cha-no-yu. Đó là thời đại mà các buổi tiệc trà cha-no-yu thường được tổ chức giữa các tầng lớp thượng lưu. Kiểu thức vừa uống trà vừa thưởng thức đồ ngọt cũng thường được trông thấy ở các tác phẩm văn học trong giai đoạn này. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa xác định rõ đồ ngọt thường được dùng ở các buổi tiệc trà khi ấy là loại bánh kẹo gì.
Đến thời kì Muromachi thì đồ ngọt Nhật Bản mới bắt đầu xuất hiện rõ ràng hơn qua sự ra đời bánh “砂糖まんじゅう” (manju đường), loại bánh được cho là dẫn tới sự ra đời bánh Manju như hiện nay.
Tuy nhiên, cần phải chú ý rằng, cho đến thời kì Muromachi đường vẫn là mặt hàng đắt đỏ. Đồ ngọt chủ yếu cho đến thời kì này đa số làm từ mật ong, sắn dây ngọt và ngũ cốc. Nên, đồ ngọt ở Nhật chủ yếu phổ biến ở tầng lớp quý tộc, chưa đi sâu vào đời sống tầng lớp bình dân.
Trong thời kì chiến quốc, khi các con tàu Bồ Đào Nha cập bến Nhật Bản, đường bắt đầu nhập khẩu vào Nhật Bản. Từ đó, đường bắt đầu được sản xuất ở quy mô rộng dưới dạng đường nâu và Wasanbon (和三盆, đường Nhật) , và dần dần trở thành một mặt hàng phổ biến mà người dân thường có thể tiếp cận.
Khi chiến tranh kết thúc vào thời Edo, nhiều nền văn hóa khác nhau được sinh ra trong giới samurai và người dân thị trấn. Kinh tế phát triển, đời sống đi vào ổn định, văn hoá phát triển đa dạng là những yếu tố nền tảng được cho là thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ wagashi. Lúc này, wagashi không còn chỉ đến một loại “trái cây” thông thường mà mang nghĩa “đồ ngọt” cụ thể như ý nghĩa bây giờ. Để dễ phân biệt, với những loại đồ ngọt được làm từ trái cây, người Edo thường hay dùng từ mizugashi (水菓子). Hiện nay, từ mizugashi ít được sử dụng. Gashi (菓子) ngày nay là một thuật ngữ chung chỉ đồ ngọt, thậm chí bao gồm cả đồ ăn nhẹ như khoai tây.
Mặc dù sự phát triển ban đầu của wagashi bị ảnh hưởng nhiều từ nước ngoài, nhưng cái tuyệt vời của người Nhật là họ không ngừng nghiên cứu và phát triển chứ không phải bắt chước đơn thuần. Đồ ngọt Nhật Bản được gắn thêm chứ Hoà đằng trước, trước hết đó là một dấu hiệu đặc trưng để phân biệt với các loại đồ ngọt nước khác, hai nữa là một sự thể hiện văn hoá một cách đầy tự hào. Bởi, wagashi ngày nay không chỉ dừng lại là thức ăn đơn thuần mà còn là nét văn hoá được các nghệ nhân xứ sở hoa anh đào chăm chút và sáng tạo.
Ánh Hiền